Sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học sản xuất lúa, giảm 15% chi phí

2 nhiều ngày trước kia 4
ARTICLE AD BOX

CẦN THƠ Mô hình sử dụng 100% chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa tại Cần Thơ giúp giảm phân bón, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí giảm 10 - 15%.

Chương trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai mạnh mẽ tại ĐBSCL. Trong đó mô hình sử dụng chế phẩm sinh học do doanh nghiệp cung ứng đầu vào thực hiện tại TP Cần Thơ đã ghi nhận những kết quả tích cực. Đây là bước đi thiết thực góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

 Lê Hoàng Vũ.

Mô hình trình diễn sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học trên diện tích 2 hecta lúa giống Đài Thơm tại xã Thạnh Phú, TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ hè thu 2025, Công ty TNHH Trường Sơn BIO phối hợp với Công ty Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) triển khai mô hình trình diễn sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học trên diện tích 2 hecta lúa giống Đài Thơm tại ấp An Thạnh, xã Thạnh Phú, TP Cần Thơ.

Mô hình ứng dụng quy trình canh tác gồm 3 lần sử dụng chế phẩm sinh học, từ khâu xử lý rơm rạ, cải tạo đất, diệt ốc bươu vàng đến phòng trừ sâu bệnh, nấm hại và cung cấp dinh dưỡng.

Cụ thể, lần 1 sử dụng 5 lít chế phẩm sinh học/hecta để diệt ốc bươu vàng, tích hợp vi sinh vật phân hủy rơm rạ, cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh, hạ phèn và chống ngộ độc hữu cơ. Lần 2 tiếp tục phun 5 lít chế phẩm diệt nấm bệnh và 5 lít diệt sâu/hecta. Lần 3 sử dụng 3 lít chế phẩm diệt nấm, 3 lít diệt sâu và 5 lít chế phẩm siêu dinh dưỡng/hecta.

Ông Trần Kim Sự, chủ ruộng lúa 2 hecta ở xã Thạnh Phú cho biết, toàn bộ quá trình canh tác từ khi sạ đến thu hoạch đều sử dụng duy nhất chế phẩm sinh học của Công ty TNHH Trường Sơn BIO. Nhờ khả năng phân hủy rơm rạ của vi sinh vật, ông không cần bón lót phân hữu cơ như trước đây, đồng thời giảm 20% lượng phân vô cơ. Đặc biệt, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng vẫn kiểm soát hiệu quả sâu bệnh, dù vụ hè thu năm nay thời tiết bất lợi.

 Lê Hoàng Vũ.

Lúa trong mô hình phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bông to, hạt nhiều. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Trước đây, để diệt ốc bươu vàng, tôi phải dùng thuốc hóa học 2 – 3 lần, vừa tốn chi phí vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nay chỉ dùng một lần chế phẩm sinh học, hiệu quả rõ ràng và rất thân thiện với hệ sinh thái xung quanh”, ông Sự chia sẻ.

Ông Đỗ Thành Nhân, Giám đốc Công ty Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh Cờ Đỏ chia sẻ: Ban đầu khá e ngại khi triển khai mô hình do giá trị lúa giống chất lượng cao, dễ gặp rủi ro. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kỹ thuật sát sao và cam kết chất lượng từ phía Công ty TNHH Trường Sơn BIO, mô hình đã thành công vượt mong đợi. Lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bông to, hạt nhiều hơn. Đặc biệt, mô hình giúp tiết kiệm phân vô cơ, không cần thuốc bảo vệ thực vật, lại thân thiện với môi trường. Đây là bước tiến rất đáng ghi nhận trong xu hướng canh tác xanh, an toàn.

 Lê Hoàng Vũ.

Ruộng lúa sử dụng phân, thuốc hữu cơ sinh học 100% giúp giảm chi phí đầu vào khoảng 10 - 15% so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong buổi tổng kết mô hình tại xã Thạnh Phú còn có sự tham dự của đại diện Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ - đơn vị đang quản lý hơn 5.000 ha lúa tại TP Cần Thơ. Sau khi trực tiếp thăm đồng, các cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đều ghi nhận hiệu quả thiết thực của mô hình, nhất là trong bối cảnh ốc bươu vàng và tình trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất nông nghiệp đang ở mức báo động.

 Hiện lúa trong mô hình sắp thu hoạch, theo đánh giá của nông dân sẽ cho năng suất từ bằng đến cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Trong khi đó sản xuất lúa sử dụng phân, thuốc hữu cơ sinh học 100% giúp giảm chi phí đầu vào khoảng 10 - 15% so với sản xuất truyền thống sử dụng phân, thuốc hóa học trước đây.

Đọc toàn bộ bài viết