Tháng 6 vừa qua, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Thông tin từ Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 6 đạt 807 triệu USD, tăng 30,9% so với tháng 5/2025 và tăng 20,7% so với tháng 6/2024.
Trong tháng 6/2025 xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam bứt phá ấn tượng chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng sầu riêng.

Nông dân vận chuyển sầu riêng mới thu hoạch đến điểm thu mua. Ảnh: Sơn Trang.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu sầu riêng đã sôi động trở lại, không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà còn cả sang Thái Lan. Nguồn hàng sầu riêng tại Thái Lan bị gián đoạn giữa các vùng trồng, qua đó làm tăng nhu cầu của thương nhân nước này về nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.
Hiện tại, các vùng trồng sầu riêng trọng điểm ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, nơi có tỷ lệ nhiễm cadimi thấp, đang vào vụ, đã giúp sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu nhiều hơn, qua đó, giúp cho xuất khẩu sầu riêng Việt Nam phục hồi trở lại.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết, một yếu tố rất quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng không chỉ kiểm tra chất lượng sản phẩm đã đưa về kho, mà chủ động kiểm tra chất lượng từ vườn, siết chặt quy trình thu mua, đóng gói sầu riêng.
Chính vì vậy, thời gian gần đây, các trang trại muốn bán sầu riêng cho doanh nghiệp, phải chủ động kiểm tra cadimi và có chứng nhận không nhiễm chất này. Khi mua sầu riêng ở những trang trại đó, doanh nghiệp lại kiểm tra cadimi một lần nữa, từ đó, đã hạn chế được rủi ro cho sầu riêng xuất khẩu.
Theo ông Nguyên, trong 3 tháng đầu năm, mỗi tháng, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam luôn ở mức rất thấp, không có tháng nào đạt 100 triệu USD. Tháng 4, xuất khẩu sầu riêng mới nhích lên được hơn 100 triệu USD. Xuất khẩu sầu riêng ở mức thấp trong 4 tháng đầu năm đã làm giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Tới tháng 5, xuất khẩu sầu riêng bắt đầu có dầu hiệu hồi phục khi đạt 204 triệu USD. Sang tháng 6, tiếp tục tăng mạnh lên hơn 300 triệu USD (gần bằng xuất khẩu của 5 tháng trước đó). Ước tính trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt khoảng từ 350 triệu đến 400 triệu USD. Như vậy, dự kiến trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đã đạt hơn 1 tỷ USD.

Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đang phục hồi trở lại nhờ kiểm soát tốt hơn về cadimi. Ảnh: Sơn Trang.
Ngoài sầu riêng, nhiều mặt hàng khác như dừa, chanh leo, xoài chế biến cũng tăng trưởng tích cực về xuất khẩu trong tháng 6/2025. Xuất khẩu rau quả tăng mạnh trở lại trong tháng 6 đã giúp cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm tuy vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đà giảm đã chậm hẳn lại so với trước đó.
Cụ thể, hết quý 1, xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm tới 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng khi đến hết tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,1 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, mặc dù xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 giảm so với cùng kỳ năm 2024, nhưng xuất khẩu trong tháng 6 đã cho thấy tín hiệu tích cực của cả ngành hàng rau quả. Điều này cho thấy những nỗ lực điều chỉnh và thích ứng đã bắt đầu phát huy hiệu quả, mở ra triển vọng về sự phục hồi trong xuất khẩu rau quả trong nửa sau của năm.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, dù nhập khẩu rau quả của Trung Quốc giảm trong nửa đầu năm, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu rau quả của nước này được dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm nay. Do đó, khi các vấn đề về kiểm dịch, chất lượng được giải quyết, đặc biệt là đối với sầu riêng và các loại trái cây nhiệt đới khác, nhập khẩu rau quả của nước này có thể tăng mạnh trở lại.
Theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc thường tăng vào các mùa lễ hội và dịp Tết Nguyên đán, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu. Đáng chú ý, Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm rau quả chế biến do tính tiện lợi và giá trị gia tăng. Đây là xu hướng mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần nắm bắt.