Thách thức trong nước và tiềm năng xuất khẩu
Trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh chuyển đổi xanh, quyền carbon từ rừng được xem là tài sản chiến lược, mở ra cơ hội xuất khẩu mới cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc xác định và phân định rõ quyền carbon vẫn còn là khoảng trống pháp lý.
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia cao cấp của Forest Trends, quyền carbon có thể được nhìn nhận theo 2 hướng: như một loại tài sản gắn với đất và rừng, hoặc như một dịch vụ sinh thái tạo ra thông qua các hoạt động gia tăng hấp thụ và lưu trữ carbon.

Ông Tô Xuân Phúc chú trọng vào vấn đề quyền carbon rừng thuộc về ai. Ảnh: Bảo Thắng.
Với cách tiếp cận thứ nhất, quyền carbon thuộc về chủ sở hữu đất hoặc sinh khối, có thể là nhà nước, cộng đồng hoặc tư nhân. Cách này phổ biến tại các quốc gia có hệ thống sở hữu đất đai tập trung.
Trong cách tiếp cận thứ hai, quyền carbon gắn với hoạt động tạo ra tín chỉ carbon như trồng rừng, phục hồi sinh cảnh, thay đổi tập quán canh tác. Người kiểm soát hoạt động, dù không sở hữu đất, có thể trở thành chủ thể quyền carbon.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không có mô hình chung, nhưng điểm then chốt là cần xác lập rõ quyền sở hữu và kiểm soát carbon, nhất là với giao dịch tín chỉ ra thị trường quốc tế.
Tại Chile, quyền carbon gắn trực tiếp với chủ đất, cho phép họ tự do thực hiện và giao dịch tín chỉ. Guatemala và Costa Rica áp dụng linh hoạt, tùy vào thỏa thuận giữa chủ đất và nhà đầu tư. Ngược lại, các nước như Congo hay Madagascar giữ quyền carbon ở cấp nhà nước, mọi hoạt động phải được cấp phép, đôi khi gây xung đột với cộng đồng địa phương.
Peru lại tách biệt người sở hữu đất với người cung cấp dịch vụ hấp thụ carbon, đảm bảo phân chia lợi ích công bằng giữa hai bên. Bài học này rất hữu ích với Việt Nam khi triển khai các dự án REDD+ hay chuyển nhượng tín chỉ ra quốc tế.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, do chưa có quy định cụ thể về chủ thể sở hữu quyền carbon, cơ chế chia sẻ lợi ích hoặc chuyển nhượng, nên nhiều sáng kiến hợp tác quốc tế gặp khó khăn. Điều này khiến nhà đầu tư còn e dè, bỏ lỡ cơ hội thương mại tín chỉ carbon ngày càng sôi động.
Để tham gia hiệu quả vào thị trường tín chỉ, Việt Nam cần xác định rõ: ai có quyền thực hiện các hoạt động giảm phát thải, ai là người nắm giữ tín chỉ và có quyền giao dịch, cơ chế nào đảm bảo phân chia lợi ích công bằng. Nếu không rõ ràng, nguy cơ xung đột, khiếu kiện hoặc mất niềm tin thị trường là điều khó tránh.
Việc chuẩn bị vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon nội địa là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có khung pháp lý xác lập quyền carbon một cách linh hoạt, hài hòa giữa luật pháp quốc gia và thực tiễn địa phương.
Bài học từ Mexico, nơi tách biệt tín chỉ tạo ra từ hấp thụ và tránh phát thải, cho thấy cần cơ chế đủ mở để tối ưu hóa lợi ích từ các loại tín chỉ khác nhau.
Chuyên gia Tô Xuân Phúc nhấn mạnh, để không bỏ lỡ cơ hội trở thành “quốc gia xuất khẩu carbon rừng”, Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách về quyền carbon theo hướng khuyến khích đa chủ thể tham gia, bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân và cộng đồng chung tay phát triển thị trường.
Trong bối cảnh các yêu cầu giảm phát thải trở thành điều kiện bắt buộc trong thương mại quốc tế, tín chỉ carbon không chỉ là công cụ bảo vệ môi trường mà còn là tài sản thương mại mang giá trị chiến lược.

Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon rừng. Ảnh: Vnforest.
Nền tảng cho xuất khẩu tín chỉ carbon
Sau khi hoàn thiện khung pháp lý về quyền carbon, Việt Nam đang tiến thêm một bước quan trọng nhằm chuẩn hóa hệ thống tín chỉ carbon rừng, mở đường cho các giao dịch trong nước và quốc tế.
Theo ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về tín chỉ carbon rừng đang được xây dựng với lộ trình cụ thể, kỳ vọng ban hành vào đầu năm 2026.
Việc làm rõ khái niệm tín chỉ carbon là bước đầu tiên để thiết lập cơ chế vận hành minh bạch và khả thi. Theo đó, tín chỉ carbon rừng là đơn vị có thể giao dịch thương mại, đại diện cho quyền phát thải 1 tấn khí CO2 tương đương.
Để tạo ra tín chỉ này, các dự án phải chứng minh được lượng khí nhà kính giảm phát thải hoặc carbon tăng hấp thụ so với mức tham chiếu, đồng thời tuân thủ các quy trình đo đạc, giám sát và xác minh độc lập.
Dự thảo đưa ra định nghĩa cùng các yêu cầu kỹ thuật với tín chỉ carbon rừng, gồm điều kiện phù hợp, biện pháp tác động, đo đạc - báo cáo phát thải và hấp thụ, đảm bảo môi trường - xã hội, quy trình thẩm định - xác minh, và cơ chế giải quyết tranh chấp.
Hiện dự thảo tập trung vào 5 loại hình dự án chủ đạo: REDD+, trồng và tái trồng rừng, cải thiện quản lý rừng tự nhiên, rừng trồng, và canh tác nông lâm kết hợp. Mỗi loại hình được thiết kế với chu kỳ tín chỉ dài hạn (tối thiểu 10 năm), nhằm bảo đảm tính ổn định và tính bổ sung.
Tiêu chuẩn cũng đưa ra yêu cầu kỹ thuật chi tiết như kiểm soát mất rừng, sử dụng giống cây bản địa, quản lý lập địa, bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác tác động thấp. Dự án cần xây dựng hệ số phát thải theo hướng dẫn IPCC, sử dụng công cụ tính toán khoa học và quy trình kiểm soát, đảm bảo chất lượng.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, tiêu chuẩn nhấn mạnh trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường: dự án không được gây tác động tiêu cực đến cộng đồng, phải đảm bảo quyền lợi người lao động và tạo điều kiện cho sự tham gia của các bên liên quan.
Đặc biệt, để tín chỉ có thể giao dịch thành công trên thị trường quốc tế, mọi quá trình thẩm định và xác minh đều phải được thực hiện bởi tổ chức độc lập, đạt chuẩn ISO 14065 và được công nhận bởi các tổ chức quốc tế như IAF. Các đơn vị thẩm định phải có giấy phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và thực hiện xác minh với hồ sơ minh bạch.
Cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại cũng được tích hợp, với quy định cụ thể về địa chỉ tiếp nhận, thời gian xử lý, ưu tiên hòa giải và lưu trữ hồ sơ xuyên suốt quá trình triển khai.

Ông Vũ Tấn Phương: Có 5 loại dự án chủ đạo tạo ra tín chỉ carbon rừng. Ảnh: Bảo Thắng.
Cần doanh nghiệp đồng hành
Để tín chỉ carbon rừng thực sự trở thành “tài sản xanh” có giá trị kinh tế cao, vẫn cần tháo gỡ nhiều vấn đề từ góc độ chính sách và thị trường. Theo bà Nghiêm Phương Thúy - đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, thành viên Tổ soạn thảo Nghị định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng - hiện tồn tại nhiều khái niệm như thuế carbon, hạn ngạch carbon hay tín chỉ carbon. Dù đều quy đổi về một tấn CO₂ tương đương, sự khác biệt về bản chất khiến việc triển khai dễ nhầm lẫn, nhất là ở cấp địa phương.
Giá tín chỉ carbon từ các dự án REDD+ hiện ở mức rất thấp, trong khi chi phí tạo tín chỉ lại cao. Giao dịch tại Bắc Trung Bộ từng chỉ khoảng 5 USD/tín chỉ, khiến nhiều chủ rừng e ngại tham gia nếu không có cơ chế bảo đảm lợi ích.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xem xét hai phương án định giá: theo thị trường để dễ quản lý, hoặc theo chi phí tạo tín chỉ để đảm bảo quyền lợi bên cung cấp. Dù theo hướng nào, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thiếu vốn đầu tư. Việc tạo tín chỉ từ hấp thụ carbon là quá trình dài hạn, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Nếu không có sự đồng hành từ khu vực tư nhân, các dự án khó đi vào thực tế.
Với hệ thống tiêu chuẩn đang được hoàn thiện và các định hướng chính sách rõ hơn, Việt Nam đang từng bước hình thành nền tảng pháp lý - kỹ thuật cho ngành “công nghiệp carbon rừng”, lĩnh vực hứa hẹn không chỉ giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu một loại tài nguyên mới mang giá trị môi trường bền vững.
Ông Triệu Đăng Khoa - nguyên Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang - cho rằng, không phải cứ trồng rừng là có thể tạo ra tín chỉ carbon. Theo tính toán hiện nay, thu nhập từ tín chỉ carbon chỉ đạt vài trăm nghìn đồng mỗi hecta - không cao như hầu hết mọi người kỳ vọng.