Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM ở khu vực quận 1 (cũ) và Thủ Thiêm với diện tích 686ha - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đây là bước đột phá để thu hút nguồn lực tài chính trung và dài hạn, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trung tâm tài chính không nên đơn thuần là một khu vực địa lý có ưu đãi... Nếu không, những định chế tài chính đang hoạt động tại Việt Nam cũng chuyển vào trung tâm tài chính để hưởng ưu đãi trong khi không tạo ra, cung cấp dịch vụ tài chính mới. Vì vậy, ưu đãi cần gắn với cam kết của nhà đầu tư
Ông ĐỖ THIÊN ANH TUẤN
Đầu tư hạ tầng cho trung tâm tài chính
Để Trung tâm tài chính quốc tế đi vào hoạt động thì từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ ban hành 8 nghị định liên quan đến lập và vận hành trung tâm.
Đó là các nghị định hướng dẫn về chính sách tài chính như thuế, ưu đãi, chứng khoán, bảo hiểm, thị trường vốn, thành viên, chính sách ngoại hối, ngân hàng, tổ chức tín dụng, chính sách xuất nhập cảnh, chính sách xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa và dịch vụ, sàn giao dịch, nền tảng giao dịch, chính sách cư trú, lao động, việc làm, chính sách đất đai, xây dựng, giải quyết tranh chấp…
Bên cạnh "hạ tầng mềm" kể trên, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng cứng của trung tâm.
Khu vực xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM theo đề xuất của Bộ Tài chính là khu vực quận 1 (cũ) và Thủ Thiêm với diện tích quy hoạch khoảng 686ha. Trong đó, với khu vực Thủ Thiêm sẽ áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị và hạ tầng kết nối trọng điểm như cầu đi bộ, buýt sông, cảng...
Đồng thời, thúc đẩy đầu tư xây dựng khu chức năng số 1, đặc biệt là 11 lô đất ưu tiên từ I-1 đến I-11 để tạo lập khu lõi thu hút nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn đầu.
Còn Đà Nẵng, Bộ Tài chính đề xuất hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác tòa nhà ICT tại Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) để tổ chức hoạt động Trung tâm tài chính quốc tế trong quý 4-2025.
Sớm hoàn thành đầu tư, khai thác Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng (giai đoạn 1), hoàn thành trình cấp phép lắp đặt cáp viễn thông dự án tuyến cáp quang biển ALC và trạm cáp quang cập bờ tại phường Ngũ Hành Sơn (mới), hoàn thành đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, khởi công dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 sân bay quốc tế Đà Nẵng trong quý 3-2025.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất đầu tư theo hướng phủ sóng di động 5G tại khu vực trung tâm TP.HCM, Đà Nẵng; đầu tư hệ thống máy chủ tính toán, lưu trữ, hạ tầng giám sát, điều hành thông minh, tại Khu công viên phần mềm số 2 phục vụ Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam ở Đà Nẵng…
Bộ Tài chính cũng đề xuất nhiều cơ chế thử nghiệm, có kiểm soát (sandbox) cho công nghệ tài chính, nâng cấp thị trường giao dịch hàng hóa bên trong Trung tâm tài chính quốc tế.
Đáng lưu ý là cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong và nước ngoài thành lập, vận hành các sàn giao dịch hàng hóa vật chất và phái sinh, ưu tiên cho các mặt hàng nông sản ưu tiên của Việt Nam.
Hướng tới xây dựng Trung tâm giao dịch hợp đồng phái sinh hàng hóa với vai trò là một công ty thanh toán bù trừ, sau đó nâng cấp thành Sở Giao dịch hàng hóa TP.HCM hoạt động theo chuẩn quốc tế.
Chuyên gia khuyến nghị gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng điều quan trọng nhất với Trung tâm tài chính quốc tế là phải gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Đó là nhu cầu về vốn, nhu cầu lan tỏa, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cung ứng các dịch vụ tài chính mới, giúp cộng đồng doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.
Vì vậy theo ông Tuấn, việc lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam phải hướng đến việc tạo lập các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ví dụ các loại hình huy động vốn mới như fintech (công nghệ tài chính), crowdfunding (huy động vốn từ đám đông)…
Ông Tuấn nhấn mạnh Trung tâm tài chính không đơn thuần là một khu vực địa lý có ưu đãi. Nếu tạo ưu đãi bên trong thì ngay những định chế tài chính đang hoạt động tại Việt Nam cũng chuyển vào trung tâm tài chính để hưởng ưu đãi trong khi không tạo ra, cung cấp dịch vụ tài chính mới.
Vì vậy, ưu đãi cần gắn với cam kết của nhà đầu tư trong việc tạo ra các dịch vụ tài chính mới gắn liền với đổi mới sáng tạo.
Tại TP.HCM dự kiến sẽ phát triển thị trường vốn, ngân hàng, thị trường tiền tệ, phát triển cơ chế thử nghiệm (sandbox) về fintech, thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt, nền tảng giao dịch mới, phát triển thị trường hàng hóa.
Đối với Đà Nẵng sẽ phát triển tài chính xanh, ứng dụng công nghệ tài chính, dịch vụ số, đồng thời thử nghiệm có kiểm soát tài sản số, tiền số, thanh toán và thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ.
Ưu đãi nổi bật trong Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam
Theo nghị quyết 222 của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, sẽ có nhiều cơ chế ưu đãi nổi trội được áp dụng.
Về thuế, thu nhập của doanh nghiệp (TNDN) từ việc thực hiện dự án đầu tư mới phát sinh tại địa bàn Trung tâm tài chính quốc tế thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 10% trong 30 năm, miễn thuế này tối đa không quá 4 năm và giảm 50% không quá 9 năm tiếp theo.
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới phát sinh tại địa bàn trung tâm tài chính quốc tế không thuộc ngành nghề ưu tiên được áp dụng thuế TNDN 15% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 4 năm tiếp theo.
Nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người có trình độ chuyên môn cao làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có được từ thực hiện công việc tại trung tâm đến hết năm 2030…