
Hội thảo quốc tế lần thứ 2 về “Đổi mới và phát triển biển bền vững" thu hút của các diễn giả hàng đầu trong ngành đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam tham dự. Ảnh: Phương Chi.
Từ ngày 25 - 27/7, Trường Đại học Nha Trang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa và Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ 2 về “Đổi mới và phát triển biển bền vững - MSDI 2025”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 200 nhà khoa học, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp, các nhà quản lý trong nước và quốc tế đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia sẽ trình bày các báo cáo khoa học, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tham gia thảo luận về các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực khoa học biển và thủy sản.
Các phiên thảo luận sẽ tập trung vào các chủ đề chính như: Kỹ thuật và công nghệ công trình biển; kỹ thuật và công nghệ nuôi trồng thủy sản; kỹ thuật và công nghệ chế biến sản phẩm từ biển; kỹ thuật và công nghệ khai thác thủy sản; khoa học biển và đổi mới sáng tạo.

GS. Sang-Rai Cho đến từ Đại học Ulsan, Hàn Quốc trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Phương Chi.
Trình bày tham luận về thúc đẩy phát triển hàng hải bền vững thông qua các hiểu biết về va chạm tàu biển, GS. Sang-Rai Cho đến từ Đại học Ulsan, Hàn Quốc cho biết, dù tai nạn hàng hải không xảy ra thường xuyên nhưng hậu quả để lại thường rất nghiêm trọng, gây thiệt hại tài chính đáng kể và trong nhiều trường hợp còn gây thương vong cho con người.
Trong thế kỷ qua, kích thước của các tàu thương mại như tàu chở dầu, tàu hàng rời, tàu container và tàu chở khí đã tăng đáng kể, trong khi quy định hiện hành không phải lúc nào cũng theo kịp. Mặc dù hiện tại đã có các hướng dẫn thiết kế được quy định cho cả tàu thương mại và tàu quân sự vẫn còn nhiều không gian để cải tiến. Tuy nhiên, việc sửa đổi và nâng cao các tiêu chuẩn hiện hành đòi hỏi phải có thêm nhiều nghiên cứu nền tảng và chuyên sâu.
Hiện nay, các mô phỏng số sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn (FE) phi tuyến động dựa trên các kịch bản va chạm thiết kế cụ thể có thể đưa ra dự đoán sát thực tế hơn. Nhờ những tiến bộ trong tính toán và phần mềm mô phỏng, các phân tích như vậy giờ đây đã có thể thực hiện hiệu quả, điều vốn rất khó đạt được cách đây một thập kỷ. Tuy nhiên, để phương pháp này thực sự phát huy hiệu quả, việc lựa chọn các kịch bản va chạm thiết kế phù hợp vẫn là một chủ đề quan trọng cho nghiên cứu tương lai.

Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phương Chi.
Trong khi đó, nói về hiện trạng và định hướng phát triển cấu trúc hệ thống nuôi biển trong tương lai, TS Huỳnh Văn Vũ, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, trong công nghệ nuôi thuỷ sản trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ, nhu cầu cải tiến về thiết kế hệ thống nuôi, kỹ thuật nuôi, sử dụng các hệ thống hiện đại để hỗ trợ, giám sát, xử lý giảm thiểu tác động đến môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững, luôn ngày càng trở nên cần thiết.
Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều khu vực vịnh, đầm, phá ven bờ có môi trường tốt để xây dựng các trang trại nuôi thuỷ sản. Kết cấu của hệ thống nuôi, kỹ thuật nuôi hiện tại còn thiếu an toàn, quy mô nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.
Hiện nay ở khu vực tỉnh Khánh Hoà đang tồn tại đan xen giữa mô hình nuôi thuỷ sản trên biển gần bờ và các mô hình nuôi hiện đại, sử dụng kỹ thuật, vật liệu và thiết bị tiên tiến.
Do đó, TS Huỳnh Văn Vũ nhận định, để nâng cao sản lượng, giảm thiểu tác động của môi trường đến sự an toàn của hệ thống nuôi, từ kết cấu, thiết bị phục vụ đến chất lượng sản phẩm thuỷ sản và tác động ngược lại của việc xả các chất thải trong quá trình nuôi ra môi trường, đòi hỏi phải có các mô hình mới hiện đại hơn, vùng nuôi phải chuyển ra khu vực xa bờ hơn.

GS.TS Phạm Quốc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Chi.
Tại hội thảo, ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa cho biết, với hơn 490 km bờ biển và hàng trăm đảo lớn nhỏ, kinh tế biển không chỉ là trụ cột tăng trưởng mà còn là động lực đổi mới, hội nhập của tỉnh Khánh Hòa. Tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế biển vào GRDP của tỉnh hiện đang ở mức cao và theo định hướng phát triển, mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ này sẽ đạt trên 10%. Với tầm nhìn đó, Khánh Hòa sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế biển trong thời gian tới.
Ông Trần Quốc Hoàn cam kết: “Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa sẽ luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Trường Đại học Nha Trang, các đối tác trong và ngoài nước để cùng nhau thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo vì một tương lai biển cả bền vững, hòa bình và thịnh vượng”.
GS.TS Phạm Quốc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang kỳ vọng, thông qua những bài tham luận của các diễn giả đầu ngành đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam tại hội thảo sẽ đóng góp quan trọng vào việc nâng cao hiểu biết về phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực biển, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, trở thành chất xúc tác thực sự, khơi nguồn ý tưởng sáng tạo, định hình xu hướng phát triển và tăng cường gắn kết cộng đồng chuyên gia toàn cầu cùng cam kết phát triển bền vững ngành công nghiệp biển.