Hàng hóa nhập khẩu tại cảng Frankfurt, Đức - Ảnh: BLOOMBERG
Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), dẫn đầu là Pháp đang đề xuất triển khai Công cụ chống áp bức (anti-coercion instrument, ACI) nếu Mỹ và EU không đạt được thỏa thuận trước ngày 1-8.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế 30% lên hàng hóa từ EU.
Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu, trong khi một số quốc gia khác tỏ ra thận trọng hoặc chưa nêu quan điểm.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Benjamin Haddad cho biết EU cần chuẩn bị mọi lựa chọn, bao gồm cả ACI, vốn có thể dùng để đánh thuế các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Việc sử dụng ACI lần đầu có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương, trong bối cảnh ông Trump cảnh báo bất kỳ hành động trả đũa nào cũng sẽ bị đáp trả mạnh hơn.
“Trong cuộc đàm phán này, bạn cần thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết và sự kiên định", ông Haddad nói với Bloomberg, đồng thời nhấn mạnh EU có thể đi xa hơn so với gói biện pháp trả đũa trị giá gần 100 tỉ euro (khoảng 116 tỉ USD) mà Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố.
Hiện EC cho rằng còn quá sớm để kích hoạt ACI khi đàm phán thương mại với Washington vẫn diễn ra. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói rằng ACI được thiết kế cho các tình huống đặc biệt và “chúng ta chưa dùng đến mức đó”.
Đàm phán Mỹ - EU tiếp tục dù ông Trump vừa gửi thư cảnh báo sẽ áp thuế 30% lên hầu hết hàng hóa EU từ tháng 8, ngoài các mức thuế 25% đối với ô tô và linh kiện, cùng 50% với thép và nhôm.
Tổng thống Mỹ cũng đe dọa có thể áp thuế lên dược phẩm, động thái ảnh hưởng nặng nề tới các công ty dược châu Âu.
EU từng kỳ vọng đạt thỏa thuận khung để kéo dài đàm phán sau hạn chót.
Theo kịch bản này, hầu hết hàng hóa EU sẽ chịu thuế 10%, với một số ngành như hàng không và thiết bị y tế được miễn trừ hạn chế.
Công cụ ACI được EU thông qua sau khi Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu EU trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump, và sau vụ Trung Quốc hạn chế hàng hóa Lithuania khi Đài Loan mở văn phòng thương mại tại nước này.
Công cụ này chủ yếu nhằm răn đe nhưng có thể triển khai để đáp trả các hành động ép buộc thương mại nhằm gây sức ép lên chính sách chủ quyền của EU hoặc các thành viên.
Ủy ban có thể đề xuất kích hoạt ACI nhưng các nước thành viên sẽ quyết định có tồn tại hành vi ép buộc và có triển khai hay không.
Trong quá trình này, EU vẫn sẽ tìm cách tham vấn với Mỹ và phối hợp với các đối tác để tìm giải pháp.