Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng vào ngày 22-7- Ảnh: AFP
Ngày 22-7, Tổng thống Donald Trump thông báo đạt thỏa thuận thương mại với Philippines sau cuộc gặp tại Nhà Trắng với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Điều này diễn ra sau khi Mỹ cũng hoàn tất thỏa thuận tương tự với Indonesia và đạt được "thỏa thuận khổng lồ" với Nhật Bản - tất cả đều trong bối cảnh hạn chót 1-8 để áp thuế quan cao hơn đang đến gần.
Giảm 1% cũng là thành công
Theo thỏa thuận với Philippines, Mỹ sẽ áp mức thuế quan 19% thay vì 20% như dự kiến ban đầu, trong khi Philippines mở cửa thị trường và áp thuế 0% với hàng hóa Mỹ.
"Chúng tôi đã thành công trong việc giảm mức thuế 20% xuống còn 19%. Mức giảm 1% nghe có vẻ nhượng bộ rất nhỏ, nhưng khi đặt trong bối cảnh thực tế, đây là thành tựu đáng kể", Tổng thống Marcos phát biểu ngày 23-7.
Dù chỉ giảm nhẹ thuế quan, các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này mang lại sự chắc chắn hơn trong thương mại cho Philippines - đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương. Mức thuế này tương tự với thỏa thuận mà ông Trump đã đạt với Indonesia.
"Indonesia sẽ mở cửa thị trường cho các sản phẩm công nghiệp, công nghệ và nông sản của Mỹ bằng cách xóa bỏ 99% hàng rào thuế quan.
Mỹ giờ đây sẽ bán sản phẩm cho Indonesia với mức thuế 0%, trong khi Indonesia phải trả 19% cho tất cả sản phẩm vào Mỹ", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer nhận định thỏa thuận với Indonesia "cho thấy Mỹ có thể bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước trong khi vẫn có được quyền tiếp cận thị trường rộng lớn".
Hạn chót đang đến gần
Thỏa thuận đột phá nhất là với Nhật Bản. "Chúng tôi vừa hoàn tất thỏa thuận khổng lồ với Nhật Bản, có lẽ là thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết.
Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỉ USD vào Mỹ, và Mỹ sẽ nhận được 90% lợi nhuận. Nhật Bản sẽ trả thuế đối ứng với mức 15%", ông Trump thông báo ngày 22-7.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru xác nhận đã nhận báo cáo ban đầu từ trưởng đoàn đàm phán Ryosei Akazawa tại Washington.
Tiến trình đàm phán kéo dài nhiều tháng, một phần do Nhật Bản chờ đợi bầu cử Thượng viện ngày 20-7, khi cử tri bày tỏ không muốn Tokyo nhượng bộ lớn.
Trong năm 2024, Nhật Bản là nguồn nhập khẩu lớn thứ năm của Mỹ sau Mexico, Canada, Trung Quốc và Đức. Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại 63 tỉ USD với Nhật Bản năm ngoái, đây là điều ông Trump coi là dấu hiệu yếu kém kinh tế.
Việc Nhật Bản đạt thỏa thuận khiến các nước châu Á khác lo ngại. Theo Hãng tin Yonhap, Hàn Quốc đối mặt áp lực ngày càng tăng.
"Có vẻ Nhật Bản đã đạt thỏa thuận tốt hơn mong đợi. Điều này có thể tăng áp lực đối với Chính phủ Hàn Quốc, vì Nhật Bản là quốc gia có thể so sánh trực tiếp nhất" - ông Austin Chang, chủ tịch Viện Thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, nhận định.
Ngày 23-7, Đài Loan cử phái đoàn thương mại tới Washington D.C để đàm phán trực tiếp với quan chức Mỹ trong tuần này. Ông Trump đã dọa áp thuế quan 32% lên hàng hóa Đài Loan.
Đến nay, chính quyền của ông Trump chưa đạt mục tiêu tham vọng ký 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày, mà chỉ mới có số thỏa thuận đếm trên đầu ngón tay. Ông Trump tuyên bố các mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 và cam kết không trì hoãn thời hạn này.
Thái Lan sắp đạt thỏa thuận?
Ngày 22-7, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết nước này sắp đạt thỏa thuận với Mỹ về giảm mức thuế quan 36% trước thời hạn 1-8, theo Hãng tin Bloomberg. "Chúng tôi đã hoàn tất hơn 90% cuộc đàm phán", ông Pichai nói và hy vọng đàm phán sẽ kết thúc trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, Thái Lan có thể không chấp nhận mức thuế 0% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ để bảo vệ ngành nông nghiệp và doanh nghiệp trong nước. Bangkok sẽ gửi thêm thông tin làm rõ đề xuất cho các quan chức thương mại Mỹ trong những ngày tới.
ADB hạ dự báo tăng trưởng châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 23-7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông báo hạ dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, còn 4,7% năm 2025 và 4,6% năm 2026. Các con số này lần lượt giảm 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước.
ADB cảnh báo triển vọng khu vực có thể xấu đi nếu căng thẳng thương mại và thuế quan leo thang. Ngoài ra, các rủi ro như xung đột, bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao, cùng với sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc, đều là những yếu tố đáng lo ngại.
Trong khi đó, các chuyên gia của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) còn tỏ ra bi quan hơn. Họ dự báo khu vực Đông Nam Á và các nền kinh tế lớn khác ở châu Á chỉ đạt mức tăng trưởng 3,8% năm 2025 và 3,6% năm 2026.
Ông Dong He, kinh tế trưởng AMRO, nhận định: "Tiến trình đàm phán thuế quan diễn ra không đồng đều. Khả năng mở rộng các biện pháp áp thuế lên nhiều mặt hàng khác có thể tiếp tục cản trở hoạt động thương mại và làm suy giảm tăng trưởng của khu vực".